PHỤ NỮ SƠN LA TÍCH CỰC CHÀO MỪNG NGÀY 8.3.2020 – ÁO DÀI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

PHỤ NỮ SƠN LA TÍCH CỰC CHÀO MỪNG NGÀY 8.3.2020 – ÁO DÀI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

Trong không khí vui tươi của những ngày tháng Ba rực rỡ, cùng với phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc, phụ nữ các dân tộc Sơn La tưng bừng chào đón kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ 08/3 và 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 2020. Để ghi nhớ, để biết ơn, để tự hào về một chặng đường lịch sử vẻ vang của phong trào phụ nữ quốc tế nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Nhà văn Vichtor Hugo đã từng nói rằng “Bạn ngắm vì sao vì hai lẽ: một là vì nó sáng, hai là vì nó vượt quá tầm trí hiểu. Bên cạnh bạn có một ánh sáng êm ái hơn và huyền bí hơn đó là người phụ nữ”. Quả thật, người Phụ nữ Việt Nam ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội. Trong gia đình là người vợ đảm đang, người mẹ dịu hiền; trong công việc là người thông minh, tế nhị. Dù đặt phụ nữ ở vị trí nào đi chăng nữa thì họ cũng làm đẹp cho xã hội và cũng là kho báu của thế gian. Ngày 08.3 là dịp để tôn vinh cái đẹp, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội, trong cuộc sống. Đây cũng là lúc người phụ nữ được hạnh phúc đón nhận tất cả sự quan tâm, ưu ái của gia đình, người thân và của toàn xã hội.
Một nhà triết gia đã nói rằng: “Giữa cuộc sống bộn bề có thứ ánh sáng trong sáng, hiền dịu là phụ nữ. Đó là thứ ánh sáng của tình mẫu tử của người mẹ, lòng chung thủy, son sắc của cô gái,… tạo nên một thế giới tuyệt vời”.
Như chúng ta đã biết, tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ với thiên chức là “làm vợ, làm mẹ”, đây là trách nhiệm khiến người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình. Với trách nhiệm là người vợ, người mẹ, người công dân, khi xã hội càng phát triển thì sự đòi hỏi hay yêu cầu của gia đình và xã hội đối với người phụ nữ ngày càng cao.
Để hoàn thành trách nhiệm, vai trò “kép” của mình, người phụ nữ phải cân bằng và hài hòa giữa công việc xã hội và cuộc sống gia đình, chăm lo, vun vén, bảo vệ tổ ấm gia đình, để góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Chỉ có kết quả trong công việc và đảm đang xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình thì vai trò và vị thế của phụ nữ mới luôn được khẳng định và được  xã hội tôn vinh.
Chúng ta tự hào về truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ quốc tế, tự hào về tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, của phong trào phụ nữ Ba đảm đang đồng thời cũng là dịp để các thế hệ phụ nữ hôm nay nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ". Với ý nghĩa đó, chúng ta mong rằng phụ nữ cả nước, các thế hệ phụ nữ Sơn La sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Đội quân tóc dài, ngọn lửa Ba Đảm đang, tinh thần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ.

Phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Sơn La nói riêng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để được cống hiến, để được đóng góp, trưởng thành và nguyện giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới, quyết tâm một lòng theo Đảng trên con đường đi tới mục tiêu xây dựng đất nước "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Để phát huy ngày càng tốt hơn vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội, đặc biệt thiết thực hưởng ứng chủ đề hoạt động Hội năm 2020 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh xác định tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới; thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giới và bình đẳng giới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhận thức của chị em, qua đó nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội, biết đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Đẩy mạnh triển khai và thực hiện nghiêm túc phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện có hiệu quả 02 cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và “rèn luyện 4 phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội mà Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Nhân dịp 08/3/2020, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La, chị em phụ nữ các dân tộc Sơn La đã tích cực hưởng ứng đợt phát động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam”, đặc biệt hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”  từ ngày 02/3/2020 đến hết ngày 08/3/2020 nhằm lan tỏa, quảng bá, tôn vinh giá trị áo dài, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị của áo dài trong mỗi phụ nữ, người dân và toàn xã hội.
Áo dài Việt Nam” đã trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, hơn trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, Áo dài đã được tiếp xúc với cả hai nền văn hóa mạnh mẽ phương Đông và phương Tây. Thế nhưng, vượt qua hàng ngàn sóng gió, vượt qua hàng nghìn thử thách, áo dài hiên ngang trở thành “Quốc phục”, một biểu tượng của người phụ nữ, của những người con gái Việt cũng như niềm kiêu hãnh của đất nước.
Khi nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến Áo dài. Áo dài được xem là trang phục truyền thống, là một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, áo dài mang ý nghĩa đặc biệt với mỗi người con đất Việt, tôn lên nét duyên ngầm cho người mặc, và tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa từ xa xưa.
Theo thời gian và dòng chuyển đổi, áo dài cũng có những biến tấu với nhiều đường nét cách tân khác nhau, nhưng vẫn giữ nguyên được nét đẹp tế nhị, nền nã của áo dài truyền thống. Không chỉ còn một chiếc cổ áo cao mà thay vào đó, áo dài được may với cổ thuyền, cổ tròn… để có sự chọn lựa đa dạng, phong phú hơn cho các chị em. Chất liệu để may áo dài xưa chủ yếu là nhung nhưng ngày nay, áo dài vải lụa được ưa chuộng hơn cả bởi sự mềm mại, có độ rủ cao tạo nét duyên dáng hơn cho người mặc.
Ở Việt Nam, áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Nó đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng, những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày Tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà áo dài được diện ở những ngày lễ hội, lễ Tết vì nó thể hiện được các giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc. Trong không khí đất trời của mùa xuân, cảnh sắc tươi mới, con người tươi vui thì một bộ áo dài thướt tha đi trên phố sẽ làm cho không khí các ngày lễ hội trở nên nhộn nhịp, vừa mang đến cảm giác hiện đại nhưng không kém phần truyền thống.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari… Còn phụ nữ Việt Nam, từ xa xưa cho đến nay vẫn mãi mãi song hành với chiếc áo dài truyền thống duyên dáng và thướt tha. Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm.
Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, qua những sự đổi thay của thời đại, bạt ngàn các trang phục ra đời, các mốt quần áo thay đổi theo thời gian nhưng tà áo dài truyền thống vẫn còn đó, vẫn hiên ngang và được yêu thích cả trong và ngoài nước. Chúng ta tự hào và hãnh diện về tà áo dài, khi nhắc đến Việt Nam, áo dài quê hương như một hình ảnh để gợi nhớ đến một dân tộc với bề dày lịch sử, một đất nước hình chữ S - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam./.
Hồng Nhung
Gửi ý kiến về bài viết cho chúng tôi
Tin liên quan