HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ SƠN LA ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU BIẾT CHỮ CHO PHỤ NỮ GIAI ĐOẠN 2015-2020

Thực hiện Nghị quyết số 113/2015/HĐND ngày 10/9/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020; ngày 14/01/2014, Sở Giáo dục - Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 06/SGDĐT-HLHPN về đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho phụ nữ giai đoạn 2014-2020.

Sau 06 năm thực hiện Chương trình phối hợp đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Hội LHPN tỉnh đã ban hành đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ phối hợp với ngành giáo dục cùng cấp thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ mà đối tượng được đặc biệt quan tâm là phụ nữ và trẻ em gái.
Xác định: Thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, việc huy động, vận động đối tượng phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ hoặc có nguy cơ tái mù chữ, tham gia các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được hệ thống hội trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Hội; đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, vũ trang nhân dân, các đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư tham gia công tác chống mù chữ.
Trên cơ sở nội dung Chương trình phối hợp triển khai công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ đã được ký kết giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp triển khai công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; trong đó ưu tiên việc tuyên truyền, vận động phụ nữ, trẻ em gái chưa biết chữ hoặc tái mù chữ để mở lớp xóa mù chữ. Cùng với việc tuyên truyền vận động mở lớp, Sở đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố tổ chức bố trí, phân công giáo viên, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ xóa mù chữ. Đồng thời chủ động phối hợp với Hội phụ nữ, Hội cựu giáo chức, Hội khuyến học các cấp và các đồn biên phòng vùng biên giới vận động những người có đủ điều kiện và nhiệt tình, tâm huyết để trực tiếp giảng dạy, quản lý các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ở những đơn vị chưa đủ giáo viên kiêm nhiệm để phân công đứng lớp.

Khai giảng lớp xóa mù chữ bản Tặc Tè, xã Mường Và, Sốp Cộp.

Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” của UBND tỉnh để chỉ đạo các đơn vị tích cực đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm nâng cao, củng cố vững chắc số người biết chữ. Từ năm 2015 đến tháng 4/2019, toàn ngành giáo dục đã huy động, bố trí 336 giáo viên, cán bộ trực tiếp tham gia công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; ngoài ra một số đồn biên phòng cũng đã cử cán bộ tham gia dạy xóa mù chữ cho một số bản, xã thuộc địa bàn vùng biên giới của tỉnh nơi đơn vị đóng. Căn cứ Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03/5/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ cho đối tượng phụ nữ, trẻ em gái theo năm. Đa số các lớp xóa mù chữ được tổ chức vào thời gian nông nhàn, tránh mùa vụ để thu hút tối đa học viên theo học. Việc tổ chức dạy học, quản lý lớp học xóa mù chữ được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Xóa mù chữ và Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Đối với đối tượng phụ nữ, trẻ em gái mù chữ lần đầu huy động ra lớp, thực hiện theo Chương trình xóa mù chữ với thời lượng đảm bảo theo quy định 1.500 tiết học (Giai đoạn I - tương đương trình độ lớp 3). Đối với đối tượng phụ nữ, trẻ em gái đã hoàn thành Chương trình xóa mù chữ (giai đoạn I) được tiếp tục huy động ra lớp, thực hiện theo Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (giai đoạn II) với thời lượng đảm bảo theo quy định 1.080 tiết học (tương đương trình độ lớp 5).
 Các hình thức tổ chức lớp học xóa mù chữ: Các lớp học xóa mù chữ dành cho đối tượng phụ nữ, trẻ em gái được tổ chức linh hoạt; có thể theo từng bản, cụm bản hoặc được huy động tập trung về trường học có điều kiện trên địa bàn. Biên chế lớp học tối thiểu trên 10 học viên, tối đa không quá 50 học viên; một số đơn vị thực hiện mô hình lớp học ghép (vừa có học viên học xóa mù chữ, vừa có học viên theo học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ). Tùy theo mùa vụ tại địa phương, các lớp xóa mù chữ được tổ chức các kỳ học phù hợp với điều kiện tham gia học tập của học viên. Việc kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả học tập của học viên được các đơn vị thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ chưa hoàn thành chương trình xóa mù chữ tích cực tham gia các lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Phối hợp với các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức điều tra, khảo sát, thực trạng phụ nữ mù chữ, tái mù chữ trong toàn tỉnh.
Từ năm 2014 đến năm 2020: Toàn tỉnh đã mở được 377 lớp, số học viên huy động ra lớp 11.595 học viên. Một số huyện có số lượng học viên ra lớp khá nhiều như: Bắc yên 42 lớp với 1.126 học viên, Thuận Châu 36 lớp với 1.698 học viên, Quỳnh Nhai 81 lớp với 2.399 học viên, Sông Mã 54 lớp với 2.286 học viên, Sốp Cộp 60 lớp với 1.510 học viên. Tổng kinh phí đã phân bổ thực hiện: 16.392,335 triệu đồng. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở ngành liên quan đã tổ chức một số đợt kiểm tra, thanh tra kết quả thực hiện Nghị quyết, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện xóa mù chữ tại các huyện, thành phố, xã, cơ sở trường học theo kế hoạch. Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao hàng năm, các phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chi trả cơ bản đúng thời gian, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. 100% các trường nội trú, bán trú phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố, Chi Hội Phụ nữ cơ sở xây dựng mô hình “vườn rau cho con” tại các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần cải thiện bữa ăn cho học sinh, đồng thời rèn luyện ý thức, tinh thần yêu lao động của học sinh.
Song bên cạnh đó trong quá trình thực hiện đã gặp một số khó khăn nhất định như: Đa số phụ nữ, trẻ em gái mù chữ hoặc tái mù chữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; do đó, rất khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động ra lớp và tổ chức lớp học xóa mù chữ. Số phụ nữ và trẻ em gái còn mù chữ thường  bị chi phối bởi công việc gia đình hoặc còn nặng về tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại ra lớp xóa mù; nên gây khó khăn nhất định cho công tác tuyên truyền, huy động mở lớp, duy trì học tập. Biên chế giáo viên nhiều đơn vị giáo dục còn thiếu hoặc không đủ để phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm; một số đơn vị cơ sở không thể mở được lớp xóa mù chữ theo nhu cầu. Công tác phối hợp trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhất định, nhưng mới chỉ triển khai có hiệu quả ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ dạy lớp xóa mù chữ, sau xóa mù chữ ở một số đơn vị trường học còn chậm, có nơi hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, dẫn đến một số huyện chưa chi trả kịp thời, phải thu hồi trả lại nhà nước.
Nhằm nâng cao chất lượng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mù chữ, tái mù chữ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết kế hoạch phối hợp giai đoạn 2020 -2025; trọng tâm là cải tiến chất lượng giáo dục thực chất và bền vững. Nâng cao chất lượng học tập của học sinh lớp 12, quyết tâm nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành Giáo dục và đào tạo, hệ thống cán bộ Hội phụ nữ các cấp tích cực đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho đối tượng phụ nữ; từng bước hạn chế, giảm thiểu tỷ lệ phụ nữ mù chữ và tái mù chữ; công tác xóa mù chữ phải gắn liền với việc cập nhật kiến thức, kỹ năng sống, đào tạo nghề nhằm duy trì, củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ và góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ và trẻ em gái./.
Bình An
Gửi ý kiến về bài viết cho chúng tôi
Tin liên quan