Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tích cực thực hiện hiệu quả Đề án “Bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ”, giai đoạn 2019 -2025 (Đề án 1893)

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tích cực thực hiện hiệu quả Đề án “Bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ”, giai đoạn 2019 -2025 (Đề án 1893)

      Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời Người cũng rất coi trọng vai trò của người cán bộ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
      Đồng chí Lê Hồng Long - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã chia sẻ về công tác xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số: Công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay…Quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương, xuất phát từ điều kiện thực tiễn là một tỉnh miền núi, biên giới, là tỉnh có nhiều dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 82% dân số. Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.”
      Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ quan Hội, Hội phụ nữ các cấp; Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019-2025 (Đề án 1893 của Thủ tướng Chính phủ), đội ngũ cán bộ Hội các cấp đã tích cực khắc phục khó khăn, chủ động tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở, từng bước đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
      Ngay sau khi Đề án 1893 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 24/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1893/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ”, giai đoạn 2019 -2025, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn Hội LHPN các huyện, thành phố về việc triển khai thực hiện Đề án tại cơ sở. Đồng thời đánh giá sơ, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án, lồng ghép tại các hội nghị của công tác Hội và phong trào phụ nữ.
      Từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã được Tỉnh, Trung ương cấp 696.000.000đồng thực hiện Đề án 1893 đã tổ chức 22 lớp bồi dưỡng, cập nhật nghiệp vụ Hội, công tác xã hội cho 885 chị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ dự nguồn chức danh Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở, cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện; chi hội trưởng/phó các chi,tổ phụ nữ.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng chủ động trong việc xây chương trình bồi dưỡng, giáo trình, tài liệu cho các lớp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng cán bộ Hội cấp cơ sở, cán bộ chi, tổ phụ nữ; kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, đảm bảo sự trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thực hành và thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao. Hình thức bồi dưỡng đa dạng, linh hoạt gắn với đẩy mạnh hình thức bồi dưỡng thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo thời gian bồi dưỡng theo quy định.
      Thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ các học viên được cập nhật thường xuyên những kiến thức, kỹ năng và các thông tin liên quan để áp dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ. Nội dung bồi dưỡng không phân tán, không dàn trải mà tập trung bồi dưỡng về thực hành, làm bài tập tình huống, trao đổi, thảo luận nhóm, minh họa, hướng dẫn hình ảnh;  hình thức và phương pháp bồi dưỡng được chú trọng; nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy thu hút được sự tham gia lắng nghe, nghiên cứu, thảo luận của học viên; đồng thời, học viên tham gia học tập với tinh thần, thái độ nhiệt tình, ham học hỏi. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lớp học được chuẩn bị chu đáo và sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội với các đơn vị có liên quan đã góp phần mang lại hiệu quả, chất lượng trong quá trình tổ chức, diễn ra các lớp bồi dưỡng.
      Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xác định tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt; có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo đáp ứng theo vị trí, nhiệm vụ công tác; đảm bảo đạt tiêu chuẩn chức danh ở các cấp Hội; Cuối nhiệm kỳ,100% cán bộ Hội chuyên trách từ tỉnh đến xã sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội. Hàng năm, ít nhất 1.000 chi hội trưởng được nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác Hội thông qua hình thức trực truyến của các cấp Hội. 100% chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ. Vì vậy, Hội cần thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp sau:
      - Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 24/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1893/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Trung ương Hội . Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch rà soát tham mưu cấp ủy cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo thông báo chiêu sinh của Tỉnh, Hội cấp trên và Học viện Phụ nữ Việt Nam, để đạt chuẩn từng vị trí chức danh cán bộ theo quy định; thực hiện các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đến các cấp và cơ sở Hội, trọng tâm các xã biên giới,chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số, tôn giáo, nâng cao trình độ dân trí của hội viên, phụ nữ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
      - Thứ hai, chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ Hội; cập nhật, xây dựng và hoàn thiện, đổi mới một số chương trình, tài liệu, nội dung bồi dưỡng; tổ chức các lớp bồi dưỡng.
      - Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác bồi dưỡng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng; nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, giảng viên các cấp; bồi dưỡng các nội dung chương trình phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên trên địa bàn toàn tỉnh; kỹ năng quản lý chuyên ngành và vị trí việc làm theo chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Chủ động khai thác các nguồn lực đảm bảo thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo.        
      - Cuối cùng, thường xuyên theo dõi, kiểm tra; định kỳ hàng năm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến các chi, tổ phụ nữ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội và phong trào phụ nữ; dám nghĩ, dám làm, sâu sát cơ sở;  thống nhất và đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức theo hướng “Trung ương định hướng chiến lược, Tỉnh vận dụng sáng tạo, Huyện đồng hành cơ sở, Xã nắm chắc hội viên,Chi thấu hiểu phụ nữ”, đúng theo tinh thần “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”./.
Hồng Nhung

Gửi ý kiến về bài viết cho chúng tôi
Tin liên quan