Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ với quyền bình đẳng của phụ nữ
“Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh
Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!
Giọng của Người không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và tiếng cả mai sau”
Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc (Nguồn: Nguyễn Văn Công - Giám đốc khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
Đối với mỗi người con Việt Nam, 19/5 đã trở thành một ngày có ý nghĩa đặc biệt, ngày Sinh nhật Bác - lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ai đó đã nói “Cuộc đời của Người là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc”. Bởi vậy, tháng Năm về là dịp để chúng ta ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người, cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Trong thời kỳ đổi mới, Sơn La nói riêng, Việt Nam nói chung đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng về thúc đẩy bình đẳng giới, được đánh giá là một trong những quốc gia có khung pháp lý về bình đẳng giới khá tiến bộ, đồng thời, việc thực hiện bình đẳng giới trong thực tiễn cũng đạt được những kết quả tích cực. Có được những thành công này là do Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi Bác Hồ:
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”
Trong những “kiếp người” chung của cả dân tộc, Bác đã giành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ. Là học trò xuất sắc của C.Mác và V.I.Lênin, am hiểu lịch sử dân tộc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên gắn liền cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc với cuộc đấu tranh cho bình đẳng, tự do và phát triển của phụ nữ Việt Nam. Người chỉ rõ: công tác phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v. đều nhằm mục đích ấy”. Người nhắc nhở các cấp, các ngành phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới.
Trong di chúc của Bác Hồ cũng có những đoạn riêng viết về phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây là một cuộc cách mạng”.
Để khẳng định về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bác tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Những tư tưởng của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình giành cho “nửa thế giới”. Bác luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Đồng thời, Bác luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lượng lao động đông đảo của xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người còn thấy rõ khả năng làm việc không thua kém nam giới của phụ nữ. Người nêu những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định... Vì vậy, theo Người “phải kính trọng phụ nữ”; “phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ”.
Quan tâm tới vị trí của phụ nữ trong xã hội, đồng thời chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, một trong những nhiệm vụ của phụ nữ dưới chế độ ta là phải “hăng hái tham gia chính quyền”. Bác nói Đảng và Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cân nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng.
Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ.
Tiếp thêm sức mạnh cho chị em, trong những năm qua, Đảng ta đã cụ thể hóa quan điểm bình đẳng giới bằng những Nghị quyết và Chỉ thị về công tác phụ nữ, như Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới do Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006 thể hiện quyết tâm của Nhà nước và ý chí của toàn dân về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện quyền phụ nữ; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới...
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La, học tập và làm theo lời dạy của Bác, đã thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ, kịp thời chỉ đạo các cấp Hội gắn việc thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của Hội với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về“Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tích cực tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ nữ, đặc biệt trước thêm bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các nữ ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu 30% người trúng cử là phụ nữ.
Quán triệt sâu sắc lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác “một nửa thế giới” cần được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thực hiện tư tưởng của Bác Hồ trong sự nghiệp đổi mới - hội nhập, tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Cùng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nữ, phụ nữ Sơn La nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, xứng đáng hơn với tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác giành cho phụ nữ./.
Hồng Nhung