Hội LHPN tỉnh tham dự Hội thảo khoa học: “Dự báo tình hình, xu hướng phát triển của tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La”
Sáng ngày 26/8/2024, đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên BTV, trưởng Ban Tuyên giáo, chính sách, luật pháp - Hội LHPN tỉnh tham dự Hội thảo khoa học: “Dự báo tình hình, xu hướng phát triển của tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La” do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Công an tỉnh Sơn La, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La tổ chức tại Công an tỉnh; đồng chí Đại tá, PGS, TS Bùi Quốc Dũng – Trưởng Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Học viện Cảnh sát nhân dân, chủ trì Hội thảo. Tại buổi Hội thảo, đồng chí Thượng tá, tiến sĩ Vũ Văn Ninh – Phó Trưởng khoa cảnh sát giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân, thông qua báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học.
Đại diện Hội LHPN tỉnh đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách, Luật pháp đã có bài tham luận tại Hội thảo về chủ đề: “Phát huy vai trò của Phụ nữ trong phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Từ xưa tới nay, phụ nữ luôn giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, cộng đồng và ngoài xã hội. Đặc biệt là các địa phương nơi mà các giá trị truyền thống vẫn còn mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc; do đó vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em càng trở nên quan trọng. Trước tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, đáng chú ý là hành vi lạm dụng tình dục, bạo hành thể chất, tinh thần, diễn biến phức tạp; tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại thường xảy ra ngay ở các môi trường có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em như: gia đình, trường học, các cơ sở chăm sóc thay thế; phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do các đối tượng còn rất trẻ và chúng thường có mối quan hệ quen biết, thậm chí có quan hệ thân thích với nạn nhân như: cha dượng, anh em họ hàng, hàng xóm thân cận, những người chăm sóc hoặc những người thân thiết với trẻ... Từ thực trạng nêu trên, việc phòng, chống xâm hại trẻ em đang là thách thức trong cộng đồng xã hội nói chung và gia đình nói riêng.
Tỉnh Sơn La với địa hình chủ yếu là đồi núi và dân cư phân bố rải rác với nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống, nơi mà điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các hành vi xâm hại trẻ em diễn ra tại một số địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó những định kiến xã hội và quan niệm truyền thống cũng khiến cho việc phát hiện và xử lý các vụ việc xâm hại trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi nạn nhân và gia đình thường có xu hướng giấu giếm, không muốn tố cáo do sợ bị kỳ thị, xa lánh. Từ số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, trong những năm gần đây, số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La tuy không gia tăng đột biến về số vụ nhưng hậu quả, tác hại mà loại tội phạm này gây ra là hết sức nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp vào thế hệ mầm non tương lai của đất nước, gây bức xúc trong dư luận quần chúng Nhân dân và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng, đồng thời cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó phụ nữ giữ vai trò quan trọng.
Trong gia đình, phụ nữ thường đảm nhận vai trò chính trong việc chăm sóc và bảo vệ con cái. Họ không chỉ bảo đảm cho trẻ em được ăn uống, học hành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, dạy dỗ con về những kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ bản thân; Trong đó vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con cái càng trở nên quan trọng, họ có khả năng nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ em, từ đó kịp thời có các biện pháp can thiệp và bảo vệ. Phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội, từ thiện và bảo vệ trẻ em. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ là những người đầu tiên phát hiện và báo cáo các vụ việc xâm hại trẻ em, nhờ vào sự nhạy cảm và tinh tế của họ trong việc quan sát và lắng nghe những câu chuyện từ trẻ em và gia đình. Phụ nữ cũng thường tham gia tích cực vào các phong trào, chiến dịch bảo vệ quyền trẻ em, giúp lan tỏa kiến thức và nâng cao nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để có thể phát huy hết vai trò của mình, người phụ nữ cũng đang phải đối mặt với ba thách thức chính, cụ thể như:
- Việc rào cản về văn hóa và nhận thức: Tại nhiều địa phương ở Sơn La, phụ nữ vẫn còn phải đối mặt với những rào cản về văn hóa và định kiến giới, khiến cho vai trò của Phụ nữ trong gia đình và xã hội chưa được công nhận đầy đủ. Những quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ, sự phân biệt giới tính và áp lực từ gia đình, xã hội đôi khi làm hạn chế khả năng của phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động xã hội, bao gồm cả các hoạt động bảo vệ trẻ em. Đây là một thách thức lớn cần được giải quyết thông qua việc thay đổi nhận thức cộng đồng và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.
- Việc thiếu hụt kiến thức và kỹ năng: Nhiều phụ nữ tại Sơn La, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng cao, còn thiếu hụt kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ xâm hại. Sự hạn chế về mặt giáo dục và cơ hội tiếp cận thông tin khiến cho họ không có đủ công cụ để tự trang bị cho mình và gia đình những biện pháp phòng ngừa cần thiết. Việc đào tạo và cung cấp thông tin, kiến thức cho phụ nữ ở các khu vực này là rất quan trọng để giúp họ có thể tự tin hơn trong vai trò bảo vệ trẻ em.
- Việc áp lực kinh tế và thời gian: Phụ nữ tại Sơn La, đặc biệt là ở những gia đình nghèo khó, thường phải đối mặt với áp lực kinh tế nặng nề, đồng thời phải gánh vác nhiều công việc trong gia đình. Điều này khiến cho phụ nữ không có đủ thời gian và nguồn lực để tham gia các hoạt động xã hội hoặc bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy cần có các chính sách hỗ trợ, giúp giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ, từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia tích cực hơn vào công tác bảo vệ trẻ em.
Trong những năm tiếp theo, để phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La, các ngành, các cấp chính quyền cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, giáo dục và nâng cao nhận thức, phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ, có thể đóng góp lớn trong việc giáo dục con cái về quyền trẻ em và các biện pháp tự bảo vệ. Họ cần được trang bị kiến thức để hiểu rõ về các nguy cơ xâm hại trẻ em và cách nhận diện các dấu hiệu ban đầu của hành vi xâm hại. Việc giáo dục trẻ em về những mối nguy hiểm, cách phản ứng khi gặp tình huống nguy hiểm, và khuyến khích trẻ em chia sẻ khi gặp vấn đề là rất cần thiết. Ngoài ra, phụ nữ cũng cần tham gia các khóa đào tạo, hội thảo về an toàn cho trẻ em, để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới.
Thứ hai, khuyến khích tham gia các tổ chức, phong trào bảo vệ trẻ em, tại Sơn La, các tổ chức phụ nữ như Hội Liên hiệp Phụ nữ đã và đang thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em, trong những năm gần đây Hội LHPN các cấp đã phối hợp với Công an các cấp tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong 238 buổi sinh hoạt cho trên 41.000 lượt hội viên, học sinh và nhân dân. Phối hợp tổ chức lồng ghép được nhiều cuộc nói chuyện chuyên đề về tình hình tội phạm, cách nhận biết các thủ đoạn hoạt động của tội phạm tại các bản, tiểu khu, tổ dân phố, các trường học cho trên 2.000 hội viên, phụ nữ và học sinh. Các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với Tòa án, Công an, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật cùng cấp tổ chức 37 lớp tập huấn về nâng cao kỹ năng tuyên truyền phòng ngừa xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người cho trên 1.000 cán bộ hội phụ nữ. Các cơ quan đã phối hợp xử lý trên 40 vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Các vụ án xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cơ bản được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo đúng người, đúng tội. Phụ nữ có thể tham gia tích cực vào các phong trào này, không chỉ để bảo vệ con cái của mình mà còn để giúp đỡ các gia đình khác trong cộng đồng. Việc tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ các nạn nhân của xâm hại trẻ em cũng là một cách để phụ nữ góp phần giảm thiểu tình trạng này trong cộng đồng.
Thứ ba, tăng cường giám sát và báo cáo các hành vi xâm hại, phụ nữ cần được khuyến khích tham gia vào việc giám sát, phát hiện và báo cáo các hành vi xâm hại trẻ em. Nhờ vào sự nhạy cảm và khả năng tiếp cận gần gũi với trẻ em, phụ nữ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các nguy cơ và hành vi xâm hại. Việc xây dựng mạng lưới giám sát cộng đồng, trong đó phụ nữ đóng vai trò nòng cốt, sẽ giúp tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Họ cũng cần biết cách tiếp cận và liên hệ với các cơ quan chức năng để kịp thời báo cáo và yêu cầu hỗ trợ khi phát hiện các vụ việc.
Thứ tư, phát triển kinh tế gia đình và giảm bớt áp lực kinh tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em là do gia đình gặp khó khăn về kinh tế, dẫn đến việc trẻ em bị bỏ bê, thiếu sự giám sát hoặc phải lao động sớm. Phụ nữ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình, thông qua các hoạt động kinh doanh nhỏ, nghề thủ công, nông nghiệp…nhằm cải thiện đời sống kinh tế, từ đó giảm bớt áp lực lên trẻ em và giúp các em có điều kiện sống tốt hơn, an toàn hơn. Ngoài ra, việc tham gia các nhóm kinh tế, hợp tác xã cũng giúp phụ nữ có thêm nguồn thu nhập, nâng cao vị thế trong gia đình và cộng đồng.
Để duy trì và phát huy tối đa vai trò này, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội...làm thay đổi nhận thức và phát huy vai trò của phụ nữ một cách đồng bộ và có hiệu quả, đồng thời cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ con em mình. Hội LHPN tỉnh Sơn La đã và đang tiếp tục duy trì thực hiện tốt một số nội dung: (1) Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện với tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; huy động sự tự giác của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức và sửa đổi hành vi trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; (2) Hội LHPN các cấp, phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó; (3) Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại trẻ em gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết; (4) Hội LHPN các cấp phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn, vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại; tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em.
Hội LHPN tỉnh Sơn La mong muốn công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình phải được các cấp, các ngành phối hợp và duy trì thường xuyên, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội./.
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo khoa học: “Dự báo tình hình, xu hướng phát triển của tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La”
Đồng chí Đại tá, PGS, TS Bùi Quốc Dũng – Trưởng Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Học viện Cảnh sát nhân dân, chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo, CSLP - Hội LHPN tỉnh tham luận về: Phát huy vai trò của Phụ nữ trong, phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Trường Giang – Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sơn La báo cáo tham luận tại Hội thảo về công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La
Dương Thị Thuý – BTG,CSLP