Ý NGHĨA NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (9/11)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những hình thức, biện pháp triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Ngày Pháp luật Việt Nam bắt nguồn từ sáng kiến của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các tỉnh: Hà Tây (trước đây), Tiền Giang, Long An đã tổ chức triển khai mô hình này với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Từ mô hình này, năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ (nay là Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương) đã hướng dẫn việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc và được đánh giá là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có.
Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 – Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân.
Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là ngày pháp luật vì vào ngày này cách đây 75 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.
Trên thế giới, hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay “Ngày Hiến pháp” như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện có khoảng 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hàng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của mình. Tại Mỹ, ngày 5/2/1958, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống Dwight D.Eisenhower đã tuyên bố lấy ngày 1/5 hàng năm làm “Ngày Pháp luật” ở Mỹ với tuyên bố: “Theo ý nghĩa thực tế, trên thế giới không còn có một sự lựa chọn giữa các lực lượng vũ trang và luật pháp. Nếu nền văn minh là để tồn tại, nó phải lựa chọn các qui định của luật pháp”. Trong ngày này, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của nhân dân, học sinh, sinh viên về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng. Ở Ba Lan, Ngày Hiến pháp 3/5 là ngày nghỉ lễ hàng năm của đất nước, ghi dấu sự kiện Hiến pháp Ba Lan được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3/5/1791. Đó là hiến pháp đầu tiên trong lịch sử hiện đại châu Âu và thứ hai trên thế giới, sau Hiến pháp Mỹ. Ngày Hiến pháp là một phần của mùa lễ hội Majówk ( Lễ hội Tháng 5- PV). Nó được tổ chức tưng bừng với các cuộc diễu hành quân sự, các buổi hòa nhạc mùa xuân và những buổi dã ngoại gia đình. Nhiều người cũng tập trung tại đài tưởng niệm các Chiến sĩ Vô danh (Grob Nieznanego Żołnierza) tại Quảng trường Piłsudski ở Warsaw. Ngày Hiến pháp là một ngày lễ chính thức ở Ba Lan, vì vậy hầu hết các trường học, ngân hàng, văn phòng chính phủ và doanh nghiệp tư nhân đều đóng cửa để tổ chức các hoạt động kỷ niệm
[1].
Ở nước ta, Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị định quy định các hoạt động của Ngày pháp luật. Cụ thể, tại Nghị định 28/2013/NĐ-CP, Chính phủ, quy định Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung sau đây: Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.Ngày pháp luật được tổ chức với các hình thức sau: Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm...
Đối với các cấp Hội phụ nữ, hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật không chỉ diễn ra trong thời gian cao điểm tổ chức Ngày pháp luật – 9/11, mà được lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức xuyên suốt trong các hoạt động của Hội LHPN các cấp. Trong năm 2024,
Cấp tỉnh tổ chức
04 hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cơ bản trong phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người, phòng chống mại dâm, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tác hại rượu bia cho 184 cán bộ, hội viên phụ nữ;
02 Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng pháp luật và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 114 cán bộ, hội viên phụ nữ.
Cấp huyện, cơ sở tổ chức 06 cuộc tuyên truyền Luật HN&GĐ, CSSK vị thành niên, ATGT cho 2.100 học sinh; tổ chức 264 cuộc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, Luật HN&GĐ, cho 32.569 hội viên, phụ nữ
; đưa 20.000 trẻ đi tiêm chủng, 15.349 phụ nữ có thai đi tiêm phòng định kỳ
.
Các hoạt động tuyên truyền góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL nói chung và Ngày pháp luật nói riêng một cách hiệu quả, các cấp Hội phụ nữ cần tích cực triển khai một số giải pháp sau:
- Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội, tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần bám sát và cụ thể hoá tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
- Thứ hai, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam theo hướng gắn kết giữa PBGDPL và xây dựng, thi hành pháp luật, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm để trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí, các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, cổ động trực quan; chú trọng tổ chức đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
- Thứ ba, tổ chức thực hiện PBGDPL hướng mạnh về cơ sở, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị và đoàn thể trong triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Xây dựng và phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả, thiết thực gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới nhóm đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL để mọi người đều được tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật.
Nguyễn Hiền
[1] Trích theo Tin “Ngày Hiến pháp là ngày Lễ quốc gia ở nhiều nước” đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.