PHỤ NỮ CÁC DÂN TỘC SƠN LA SƠN LA VỚI CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

PHỤ NỮ CÁC DÂN TỘC SƠN LA SƠN LA VỚI CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

      Với truyền thống yêu nước nồng nàn, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh",Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, lòng yêu nước đã trở thành đạo đức, tình cảm thiêng liêng và họ đã biến nó thành hành động chính nghĩa, dành độc lập cho dân tộc mình.Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trước khi bước vào chiến dịch Ðiện Biên Phủ, cùng với toàn dân, phụ nữ đã tham gia mọi công việc của kháng chiến, đặc biệt là phục vụ hàng chục chiến dịch lớn. Ðây là lần đầu tiên phụ nữ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch có lực lượng địch tập trung lớn, vũ khí hiện đại.Với chiến dịch Điện Biên Phủ, dù không trực tiếp cầm súng nhưng vai trò của những người phụ nữ lại vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc.Trong đó, phụ nữ Sơn La  cùng với phụ nữ cả nước góp phần tích cực thực hiện phong trào cách mạng của nước nhà đã sẵn sàng tham gia chiến đấu, hi sinh và hết lòng phục sự Tổ quốc.
Đồng bào Thái địu gạo phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh minh họa)
      Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã dũng cảm chống lại những kẻ thù hùng mạnh, giữ vững chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Ngay từ khi thực dân Pháp nhăm nhe quay trở lại xâm lược, chị em phụ nữ, tiêu biểu nhất là chị Chu Thị Hương (chị gái ruột của đồng chí Chu Văn Thịnh) đã có đóng góp rất lớn trong phong trào bán trâu mua súng cho các đội tự vệ chiến đấu. Nhiều chị em đã tích cực tham gia xây dựng, tổ chức chính quyền cách mạng, tuyên truyền các chính sách mới của Mặt trận Việt Minh đến mọi tầng lớp nhân dân.
      Tháng 10/1947, thực dân Pháp chiếm toàn bộ Sơn La. Cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc Sơn La bước sang giai đoạn mới. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, nhân dân các dân tộc Sơn La đã thực hiện vườn không, nhà trống, cất giấu lương thực để kháng chiến lâu dài. Phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã tích cực tham gia du kích đánh giặc, góp phần to lớn vào thắng lợi của quân dân các dân tộc Sơn La. Nhiều chị em cũng tham gia vận động gia đình, họ hàng đi tản cư theo chủ trương của Chính phủ. Rất nhiều chị đã dũng cảm tham gia hoạt động kháng chiến, xây dựng khu căn cứ Mộc Hạ, tham gia các đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh, bí mật gây cơ sở ở những vùng tạm chiếm, như chị Điêu Thị Hảo, chị Hà Thị Hom, chị Vân Sinh… nhờ đó, phong trào ở vùng địch hậu Sơn La phát triển mạnh mẽ
      Chiến thắng Biên giới thu - đông 1950 đã mở ra cục diện kháng chiến mới có lợi cho ta. Tháng 4/1950, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất đã họp. Ở Sơn La được tăng cường thêm một số cán bộ phụ nữ từ Việt Bắc sang như: chị Cầm, chị Mễ, chị Cúc, chị Tiến, chị Đới…Phụ nữ các huyện đã tích cực tham gia các lớp học xoá mù chữ, học cứu thương, chữa bệnh để chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân; vận động nhân dân ăn ở sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh: tả, lỵ, sốt rét, thương hàn…
      Thu đông năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc, Sơn La là chiến trường chính của chiến dịch. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ đề ra, nhân dân các dân tộc Sơn La đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt. Nhiều cán bộ phụ nữ đã xung phong xuống cơ sở, tuyên truyền cho chị em hiểu rõ đi dân công để phục vụ chiến dịch, giúp bộ đội đánh giặc, giải phóng quê hương. Phụ nữ các dân tộc trên khắp các bản mường đã tích cực tham gia tải đạn, tải gạo, tải thuốc, phục vụ thương binh trong các bệnh viện dã chiến; tích cực đóng góp thực phẩm, rau quả cho chiến dịch. Hàng vạn phụ nữ dân tộc tham gia xay thóc, giã gạo để cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Phụ nữ các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú… ở Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn tích cực tham gia chuẩn bị cho chiến dịch.
      Trong chiến dịch Tây Bắc, đã có 2.622 chị em xung phong đi tiếp tế vận tải lương thực, đạn dược cho bộ đội; có chị gánh tăng từ 15-25 kg/chuyến, vượt qua các đèo cao hơn 1.000m như Khau Vạt, Lũng Lô và những nơi nguy hiểm để đưa hàng hóa đến nơi an toàn .
      Đầu năm 1953, Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu Tây Bắc được thành lập. Ban Chấp hành gồm có chị Lê Minh Cầm làm Hội trưởng (do Khu ủy chỉ định), các ủy viên là chị Mễ, chị Cúc, chị Tiến, chị Hồng Đào, chị Hảo, chị Hom, chị Vân Sinh... Hội đã đề ra công tác trước mắt là: Đảm đang công tác hậu phương, động viên chồng con đánh giặc cứu nước; Vận động phụ nữ đi dân công, tiếp vận phục vụ tiền tuyến; Chăm sóc thương binh, gia đình bộ đội; Củng cố cơ sở vùng bị chiếm và các huyện miền núi cao; Vận động thực hiện phong trào “đời sống mới” ăn, ở sạch sẽ, ăn chín, uống sôi Sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu Tây Bắc là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành lớn phong trào phụ nữ các dân tộc Tây Bắc, trong đó có phụ nữ Sơn La. Từ đây, phụ nữ các dân tộc Sơn La có tổ chức riêng của mình, lãnh đạo cả giới đồng tâm hiệp lực giải phóng phụ nữ, giải phóng dân tộc.
      Tháng 12/1953, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm đập tan kế hoạch Nava, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Tỉnh Sơn La nằm trên con đường huyết mạch nối liền hậu phương với mặt trận. Hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, phụ nữ các dân tộc đã vận động gia đình tự nguyện đóng thuế, bán gạo, bán thực phẩm. trồng nhiều rau xanh cung cấp cho mặt trận, tích cực đi dân công phục vụ cho chiến trường. Trong chiến dịch này, tổng số dân công huy động là 21.678 người, 50% là phụ nữ đi dân công, đóng góp 2.484.759 ngày công làm đường 13, đường 41, làm kho lán, bốc vác và phục vụ thương binh. Đã có 7.622 chị đi làm suốt 6 tháng với 685.980 công. Với khẩu hiệu “đi sớm về muộn”, phụ nữ các dân tộc đã bạt tà ly, đắp đá, rải cấp phối, hót bùn… năng suất tăng 450%. Nhiều ngày trời mưa chị em vẫn ra mặt đường vừa làm vừa vui hò:
Trời mưa ướt áo ướt quần
Làm sao ướt được tinh thần chúng ta”.
      Bất chấp những hiểm nguy, nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong còn tham gia mở đường, sửa đường. Với khẩu hiệu “bảo vệ giao thông tuyệt đối”, chị em dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội, dân công vươt qua, nhiều người còn trực tiếp tham gia chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, bắc đá… Nhiều chị xông pha giữa bom đạn để cứu hàng, ngụy trang hàng; số khác lại túc trực ở những đoạn thác, ghềnh hiểm trở, hướng dẫn bè, mảng vượt qua an toàn. Có những đợt mưa to trôi mất cầu, các chị đã nắm tay nhau lội xuống suối, ngâm mình dưới nước, xếp lại đá để xây lại cầu, bảo đảm kế hoạch quân sự. Chị em đã không quản gian khổ, khó khăn, cùng với anh em làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường, ngày đêm chốt giữ trên những trọng điểm địch bắn phá ác liệt, như: Ngã ba Cò Nòi, bến phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin. Những lúc địch ngừng bắn, chị em đã cùng với anh em ra đào bom nổ chậm, làm lại đường, lấp hố bom để thông đường cho xe ta đi.
      Trong các chiến dịch làm đường, nhiều chị đã được bầu là chiến sĩ thi đua, được thưởng Huân chương hạng nhất, nhì, ba của Bộ Tổng tư lệnh. Chị em tích cực vận động chồng, con nhập ngũ, lên đường giết giặc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đồng bào các dân tộc Sơn La đã ủng hộ mặt trận Điện Biên Phủ 4.000 tấn gạo, 144.993kg thịt, các loại. 139.730kg rau xanh, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Tổng kết chiến dịch, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La trong đó có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ Sơn La đã được Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương khen ngợi.
      Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc ta. Phụ nữ các dân tộc Sơn La đã góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
      Có thể nói, phụ nữ Sơn La cùng với phụ nữ cả nước đã đóng vai trò quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính thực dân Pháp cũng phải thừa nhận: "Các ông đã thắng vì các ông có dân, không những nam giới mà cả phụ nữ cũng có mặt ở tiền tuyến".70 năm đã trôi qua, nhiều phụ nữ tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã không còn nữa nhưng lịch sử dân tộc luôn ghi nhận những đóng góp phi thường của các chị.Và với lịch sử dân tộc, họ chính là những người góp phần không nhỏ cho mốc son chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
      Những bài học kinh nghiệm của 70 năm lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, giúp cho các cấp Hội và các thế hệ Hội viên phụ nữ trong tỉnh tự hào, phấn khởi phát huy, cùng nhau lỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách trở ngại, trên con đường đi tới, góp phần to lớn hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước, xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp phồn vinh. Trưởng thành trong phong trào đó Hội LHPN Sơn La đã lớn mạnh không ngừng về tổ chức bộ máy, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động, phong trào của Hội; chủ động, sáng tạo trong lao động, công tác, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững. Phát huy truyền thống cách mạng thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng cán bộ, hội viên để có giải pháp chỉ đạo các phong trào, hoạt động phù hợp với cơ sở. Triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Đề án “Tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”. Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; triển khai Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030. Tiếp tục hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho chị em khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội; xây dựng phụ nữ Sơn La “Đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên”.Đúng như lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” ./.
Phương Loan
Gửi ý kiến về bài viết cho chúng tôi
Tin liên quan