NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI TRONG CÁC CẤP HỘI PHỤ NỮ TỈNH SƠN LA

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI TRONG CÁC CẤP HỘI PHỤ NỮ TỈNH SƠN LA

      Giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN các cấp; thông qua hoạt động giám sát, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các cấp Hội phụ nữ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện dđại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
      Trong những năm qua, công tác giám sát và phản biện xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp Hội LHPN các cấp thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Hội LHPN các cấp đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
      Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (từ đây là viết tắt là Quy chế 217) và Quyết định số 218-QĐ/TW “về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (từ đây là viết tắt là Quy chế 218). Theo đó, việc giám sát, phản biện xã hội do MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tác động tới các chủ thể có liên quan nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đoàn giám sát liên ngành do Hội LHPN tỉnh chủ trì giám sát chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” tại UBND huyện Phù Yên
      Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN các cấp tích cực triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội đạt được những kết quả nhất định với 73 cuộc giám sát, tập trung ở các nội dung như: Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” trên địa bàn tỉnh Sơn La; Nghị định 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính Phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn....
      Tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “về chính sách hỗ trợ giáo viên tiểu học dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La” và dự thảo “Quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết một số nội dung của Luật Nhà ở năm 2023 áp dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Xây dựng báo cáo số 653/BC-BTV ngày 20/06/2024 của BTV Hội LHPN tỉnh tổng hợp ý kiến phản biện xã hội về dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về “quy định về mức học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh” bằng văn bản. Tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023 trực tiếp tại điểm cầu tỉnh, trực tuyến tới 11 điểm cầu các huyện.
      Các hoạt động giám sát và phản biện của Hội LHPN đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ theo dõi, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung, những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đã được các cấp Hội kiến nghị lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch của nhà nước, của địa phương. Mối quan hệ xã hội của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng. Với những kết quả cụ thể đã đạt được qua giám sát và phản biện xã hội đã khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội LHPN các cấp đã góp phần tích cực trong xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.
      Đề tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội phụ nữ thời gian qua, Hội LHPN các cấp cần tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể như sau:
      - Phát huy dân chủ, nâng cao nhận thức đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Hội LHPN các cấp, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền về thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Hội LHPN các cấp. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần có sự chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện Hội LHPN các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.
      - Tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Hội phụ nữ. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội tổ chức Hội phụ nữ. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân (giám sát trực tiếp và giám sát thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội); trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; cơ chế để tổ chức Hội tham gia hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân. Quy định kinh phí bảo đảm cho tổ chức Hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.
      - Đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, xem đây là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Không ngừng đẩy mạnh xây dựng cán bộ Hội làm công tác giám sát, phản biển xã hội có phẩm chất chính trị vững vàng, gương mẫu, nhiệt tình và tự nguyện thực hiện hoạt động, có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận vấn đề, có phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; biết nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, được nhân dân tín nhiệm.
      - Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Hội chỉ có thể phát huy tốt hiệu quả khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần có cơ chế tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa hoạt động giám sát của tổ chức Hội và các đoàn thể chính trị - xã hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
      - Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đi vào thực chất, các cấp Hội cần thường xuyên bám sát định hướng giám sát, phản biện xã hội của Trung ương, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như vấn đề xã hội, hội viên phụ nữ quan tâm để chọn vấn đề giám sát phù hợp cho từng năm, và chủ động báo cáo đề xuất với cấp ủy về nội dung giám sát, phản biện để triển khai thực hiện. Khi tiến hành hoạt động giám sát, các cấp Hội cần chuẩn bị kỹ đề cương giám sát và gửi trước cho đối tượng giám sát, mở rộng thành phần giám sát, tùy theo nội dung có thể mời thêm các thành phần tham gia như: đại diện Thường trực, các ban của HĐND, Ban tổ chức, Ủy Ban MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận, các sở, ban, ngành hữu quan... 
      Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, cán bộ Hội các cấp cần nâng cao nhận thức về chức năng đại diện của tổ chức Hội, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, thể hiện rõ bản lĩnh, chính kiến để làm tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Phát huy vai trò làm chủ của hội viên, phụ nữ; tuyên truyền để phụ nữ hiểu được quyền, trách nhiệm và tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến văn bản của Đảng và Nhà nước, góp phần khẳng định và phát huy vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng và phát triển của tỉnh nhà./.
Nguyễn Hiền

Gửi ý kiến về bài viết cho chúng tôi
Tin liên quan