CLB văn hóa Thái xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu phục dựng lại khung cửi dệt vải của dân tộc Thái
CLB văn hóa Thái xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu phục dựng lại khung cửi dệt vải của dân tộc Thái
Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ làm nô lệ. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô. Cụ Phan Bội Châu đã phải thốt lên rằng:
Đã lắm lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời cao mà tuốt gươm ra,
Cũng xương, cũng thịt, cũng da,
Cũng hòn máu đỏ, con nhà Lạc Long,
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than!...
Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta. Sau khi bình định xong các tỉnh đồng bằng, thực dân Pháp đánh lên các tỉnh miền núi - địa bàn cư trú của các dân tộc ít người. Tháng 2-1886 thực dân Pháp đánh lên Tây Bắc, tháng 1-1888 thực dân Pháp chiếm được Tây Bắc. Năm 1895 tỉnh Vạn Bú được thành lập, đến năm 1904 đổi tên gọi thành tỉnh Sơn La. Cuộc sống của nhân dân đắm chìm trong nghèo đói và lạc hậu, đời sống của chị em phụ nữ những người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội nay lại trở nên khốn cùng hơn bao giờ hết. Nhân dân sống trong vòng bưng bít của bọn thống trị, đồng bào dân tộc không biết tiếng Kinh, 99% dân số bị mù chữ. Tỉnh Sơn La lúc đó được mệnh danh là nơi “rừng thiêng, nước độc”, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đời sống nhân dân luôn đối diện với muôn vàn khó khăn, người phụ nữ Sơn La mang trên vai gánh nặng vừa phải lao động sản xuất tạo nguồn lương thực cho gia đình, vừa nuôi dưỡng chăm sóc con cái nhưng địa vị của họ cực kỳ “rẻ mạt”, họ chỉ là được coi là “kẻ ở, nàng hầu”, là nô lệ của nô lệ, không được tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào. Phụ nữ không ai được đi học, đa số phụ nữ chỉ quẩn quanh với công việc gia đình nội trợ, ruộng nương nên cuộc sống đa phần bị phụ thuộc vào nam giới người được coi là chủ gia đình. Những tập tục lạc hậu: thách cưới, cúng ma, hút thuốc phiện, uống rượu.. được thực dân Pháp khuyến khích để bần cùng hóa nhân dân và đưa nhân dân vào vòng tăm tối, dốt nát, nhằm thui chột tinh thần chiến đấu của người dân, biến Sơn La và khu Tây Bắc thành xứ biệt lập với Tổ quốc. Chúng ra sức bóc lột, vơ vét của nhân dân bằng chính sách thuế khóa nặng nề, tình hình đó làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc với bọn thống trị Pháp và giữa nhân dân, chủ yếu là nhân dân lao động với bọn phong kiến, chức dịch bóc lột và bọn xâm lược thống trị trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Nhân dân các dân tộc Sơn La quyết tâm cùng nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh châu mường.
Trước diễn biến của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, năm 1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời đã quy tụ những người chiến sĩ cách mạng kiên trung trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào giải phóng dân tộc trong nước, chấm dứt một thời kì khủng hoảng đường lối cứu nước của nhân dân Việt Nam, mở ra một thời kì mới trên con đường đấu tranh giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ. Dưới miền xuôi, thời kỳ này đã có nhiều bước chuyển mới về quan điểm với người phụ nữ, về nam nữ bình quyền. Đã có nhiều trường học cho nữ xuất hiện ở các đô thị lớn, tầng lớp nữ tri thức ngày càng nhiều. Ở Sơn La, tháng 12/1940 Chi bộ Đảng lâm thời của nhà ngục Sơn La (nơi giam giữ các chiến sỹ cách mạng yêu nước bị thực dân Pháp đưa lên Tây Bắc) được thành lập với 10 đồng chí. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên được tổ chức ở vùng Tây Bắc. Sự cách biệt về địa hình, cộng với chính sách “ngu dân” mà thực sự dân Pháp và tay sai cai trị sử dụng, phụ nữ Sơn La vẫn không được giác ngộ với những tiến bộ trong phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ trên cả nước. Tuy nhiên, sự ra đời của chi bộ Đảng được thành lập ở nhà tù Sơn La đã là kim chỉ nam cho phong trào cách mạng của tỉnh nhà, từ đây đồng bào và chị em phụ nữ các dân tộc Sơn La được ánh sáng cách mạng của Đảng soi đường để đứng lên làm cách mạng giải phóng quê hương, giải phóng cuộc đời khỏi kiếp lầm than, nô lệ. Mùa thu năm 1941, tờ báo “Suối reo” viết tay của chi bộ bí mật ra đời đã có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng cho đảng viên và quần chúng ở bên trong cũng như bên ngoài nhà ngục. Khi được giác ngộ đồng bào không ngại hiểm nguy tận tình giúp đỡ tù chính trị, tiêu biểu đó là bà Quàng Thị Khiên ở bản Hẹo, ông Lò Văn Hặc, ông Tòng Văn Đôi, bà giáo Bảo ở phố Chiềng Lề, vợ con binh lính quanh tỉnh lỵ đã trở thành địa điểm liên lạc bí mật của cách mạng. Chị em ở phố Chiềng Lề còn mua vải may cờ đỏ sao vàng chuyển vào cho anh em tù chính trị. Cuối năm 1942 Tổ thanh niên cứu quốc Mường La ra đời lấy tên là “Mú nóm chất mương” (Thanh niên cứu quốc). Việc phát triển các Hội cứu quốc được tiến hành rất khẩn trương. Toàn tỉnh đã có trên 60 cơ sở cách mạng và trên 200 hội viên cứu quốc.
Ở Mường Chanh phong trào phát triển mạnh mẽ, cả 12 bản đều có cơ sở Cách mạng. Tại đây, Đội tự vệ vũ trang đầu tiên của Sơn La ra đời với 40 chiến sĩ do đồng chí Cầm Vĩnh Tri phụ trách. Đội được huấn luyện về quân sự và chính trị, được trang bị vũ khí do nhân dân ủng hộ tiền quyên góp, mua sắm, trong đó có sự ủng hộ tích cực của chị em các bản. Hội người Thái cứu quốc (Côn tay chất mương) ở Mường Chanh ra đời và ngày càng phát huy được ảnh hưởng trong nhân dân. Hội có đông đảo phụ nữ tham gia như chị Cầm Thị Dực, Cầm Thị Kheo…Ở khu vực tả ngạn Sông Đà, đồng chí Cầm Dịn cũng tổ chức được một đội tự vệ chiến đấu.
Năm 1945 trước tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, Đảng ta đã có những quyết sách nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) quyết định phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị quan trọng này đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, chủ động và sáng tạo của Đảng, chỉ rõ phương hướng và biện pháp hành động cách mạng đúng đắn trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, mở đường đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi.
Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên mạnh mẽ. Nhiều hoạt động được đẩy mạnh như tuyên truyền xung phong có vũ trang cướp kho thóc của Nhật để cứu đói, xây dựng các đội tự vệ vũ trang du kích cứu quốc, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, phát động chiến trang du kích ở những nơi có đủ điều kiện, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Phong trào cách mạng ở Sơn La cũng sôi sục cùng với phong trào cách mạng của cả nước. Tại nhà ngục Sơn La khi biết tin Nhật đảo chính Pháp, chi bộ đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng tích cực đấu tranh với thực dân Pháp, đề phòng chúng lén lút thủ tiêu tù cách mạng khi chuyển tù. Bằng biện pháp vừa kiên quyết vừa mềm dẻo chúng đã nhượng bộ. Đến ngày 17/3/1945 trên đường chuyển tù sang Nghĩa Lộ, đến Tú Lệ các tù nhân đấu tranh để tự giải thoát, hơn 200 chiến sĩ đã trở về với phong trào cách mạng. Sau đó quân Nhật tràn lên Sơn La chúng thu thập lính khố xanh tay sai của thực dân Pháp lập ra Bảo an binh, đi đến đâu chúng vơ vét, tàn phá bản làng bắt nộp lương thực, thực phẩm làm đời sống nhân dân càng thêm khổ chực, điêu đứng, phụ nữ các dân tộc càng bị đói rách hơn. Cùng với khí thế cách mạng sục sôi của nhân dân trong cả nước, tháng 7/1945 quân giải phóng tiến vào giải phóng Văn Chấn (Nghĩa Lộ), một chi đội tiến sang Phù Yên để giải phóng Phù Yên. Phong trào kháng Nhật ở đây phát triển mạnh, có tổ chức “Mú nóm hặc mương” (Thanh niên yêu nước), đặc biệt là đội tự vệ cách mạng được lập ra và hoạt động tích cực. Sáng ngày 22/7/1945 đoàn quân giải phóng tiến vào Quang Huy, đội tự vệ và nhân dân Phù Yên gồm già, trẻ, gái, trai hòa cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Châu Lỵ. Bọn giặc hoang mang cực điểm, tự nguyện giao nộp vũ khí xin đầu hàng.
Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh và Liên Xô. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào nhận định: Cơ hội khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị đã thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban cách mạng lâm thời. Đồng chí Chu Văn Thịnh và Cầm Văn Minh được giao nhiệm vụ trở về Sơn La lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương. Chỉ trong vòng một ngày, các cơ sở đã chuẩn bị xong lực lượng, vũ khí, băng, cờ, khẩu hiệu. Đêm 19/8/1945 cuộc khởi nghĩa chính thức nổ ra ở Mường Chanh- Mai Sơn đến ngày 22/8 nhân dân Mường La gồm 50 người, do ông Nguyễn Tử Du và Lô Xuân chỉ huy kéo vào, bao vây châu lỵ. Ngày 23/8 tại Thuận Châu lực lượng vũ trang gồm 20 người do ông Quàng Đôn, Đỗ Trọng Thát chỉ huy tiến lên bao vây nhà tri châu Bạc Cầm Quý. Tại tỉnh lỵ, lực lượng vũ trang cách mạng từ các châu kéo về lên đến 500 người có trang bị súng, gươm, dao bao vây đồi Khau Cả. Đồng chí Chu Văn Thịnh dẫn đầu đoàn đại biểu thương thuyết với Nhật yêu cầu chúng giao nộp toàn bộ vũ khí và trật tự rút quân ra khỏi Sơn La. Trước áp lực của lực lượng cách mạng, quân Nhật buộc phải chấp nhận. Ngày 25/8/1945 quân Nhật rút khỏi tỉnh lỵ, cuộc kháng chiến giành chính quyền của nhân dân Sơn La hoàn toàn thắng lợi. Ngày 26/8/1945, hàng ngàn quần chúng nhân dân ở xung quanh tỉnh lỵ đã kéo về đồi Khau Cả, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố trước nhân dân: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La đã thắng lợi, chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân, từ nay xóa bỏ hoàn toàn chế độ bóc lột của phìa, tạo, quan lại và các chức dịch địa phương. Nhân dân từ nay được tự do và làm chủ bản mường.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Sơn La đã kết thúc hơn nửa thế kỷ thống trị của thực dân Pháp với phát xít Nhật xóa bỏ chế độ phìa tạo phong kiến lâu đời, mở ra một thời kỳ mới. Từ đây các dân tộc Sơn La thoát khỏi ách áp bức bóc lột tàn bạo của chính sách chia rẽ dân tộc, chính sách ngu dân của đế quốc, phong kiến cùng nhân dân cả nước từ thân phận nô lệ trở thành người chủ bản mường, bắt tay vào xây dựng chế độ xã hội mới: Độc lập, tự do và bình đẳng. Lần đầu tiên trong lịch sử người phụ nữ Sơn La thoát khỏi kiếp“con ở, nàng hầu”, bước lên địa vị là chủ nhân của đất nước, tự tin làm chủ cuộc đời mình. Lực lượng vũ trang Sơn La tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, khi hàng vạn con em các dân tộc trong tỉnh hăng hái lên đường tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, lập nhiều chiến công, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày mùng 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trong giờ phút thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra chế độ mới, hai người phụ nữ (Dương Thị Thoa (Lê Thi) và Đàm Thị Loan) đã được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng, lá Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong ngày lễ độc lập. Sau cách mạng, điều 9 của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 quy định: “Sức mạnh của đất nước nằm trong tay người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giới tính, giàu nghèo, đẳng cấp, tôn giáo... Phụ nữ bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực” bản Hiến pháp đã mở ra một kỷ nguyên mới cho người Phụ nữ Việt Nam nói chung và Phụ nữ Sơn La nói riêng, nơi người phụ nữ đứng lên không những trở thành trụ cột cho gia đình, mà còn đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.
Nguyễn Hiền