PHỤ NỮ SƠN LA HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO

Năm 2020, là một năm có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành Tuyên giáo của Đảng - kỷ niệm 90 Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (01/8/1930 - 01/8/2020). Những đóng góp của ngành Tuyên giáo đã góp phần tô thắm trang sử vẻ vang, hào hùng trong các cuộc kháng chiến cứu nước, giành độc lập dân tộc; đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

       Nhà thơ Tố Hữu - nhà chính trị và nhà tư tưởng xuất sắc của Đảng từng viết:

“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!

       Với nội hàm và ý nghĩa lớn lao đó, người lính trên mặt trận tuyên giáo còn phải đi tiên phong trong mọi tình huống và đưa ra các dự báo, các đề xuất chiến lược trong công tác tư tưởng, chính trị của Đảng. Có nghĩa là công tác tuyên giáo còn phải “lo trước cái lo của thiên hạ”, nhất là những vấn đề nảy sinh bức xúc liên quan xã hội, chế độ và vận mệnh của đất nước. Đồng thời, song song việc “đi trước” thì nhiệm vụ “đi cùng” trong công tác tuyên giáo không chỉ là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”, mà ngày nay, ngoài một số yêu cầu cơ bản trong phương châm “đi cùng” của công tác tuyên giáo trước đây còn phải nói cho “dân tin”, tạo được “thiện cảm với nhân dân”. Để cho dân tin, cán bộ tuyên giáo nếu chỉ có tấm lòng nhiệt huyết như trước đây thì chưa đủ mà còn phải giỏi về lý luận, am hiểu thực tiễn và phải gương mẫu trong việc tu dưỡng đạo đức, phẩm chất cách mạng, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của nhân dân, của phong trào lên trên hết.
       Khi nói đến “nghề” tuyên giáo, người ta thường nghĩ đó là nghề liên quan đến đường lối, chính trị…thật là khô khan. Đặc biệt, họ luôn cho rằng những người phụ nữ làm nghề này cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của tính chất công việc. Nhưng thực tế không phải như vậy! Chính chị em đã mang lại những nét mềm mại, mới mẻ, sinh động cho nghề tuyên giáo. Bản chất của phụ nữ đã giúp họ thích nghi, tận dụng lợi thế riêng, khắc phục mặt yếu điểm để vươn lên, khẳng định vị trí, tầm quan trọng cũng như vai trò của mình, từ đó sánh vai cùng nam giới trong nghề nghiệp vốn đầy phong phú và không kém phần phức tạp này.
Phụ nữ là người lao động, người công dân, người mẹ, người thầy đầu tiên của mỗi con người. Khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Mục tiêu nâng cao nhận thức và hiểu biết về mọi mặt cho phụ nữ được xem là bước đệm dẫn đến thành công trong triển khai hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam có đầy đủ các tiêu chí nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình mới.
       Từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930) được thành lập đến nay, trong 90 năm qua, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục luôn được xác định là một trong những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Hội. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay khi đất nước ta đang ở vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với các nhiệm vụ về kinh tế, xây dựng gia đình, tham mưu, đề xuất chính sách, củng cố tổ chức, hoạt động đối ngoại..., công tác tuyên truyền, giáo dục của các cấp Hội phụ nữ ngày càng có một vị trí quan trọng.
Đối với công tác tuyên truyền, cùng với chuyên môn chắc, kiến thức tốt thêm vào đó, cán bộ Hội phụ nữ các cấp còn là những người biết lắng nghe, biết chia sẻ và quan tâm một cách thấu đáo, sâu sắc. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi tiếp xúc với quần chúng, thâm nhập vào đời sống nhân dân, dời sống của chị em hội viên để tìm hiểu, thăm dò dư luận xã hội, sự quan tâm và lắng nghe của phụ nữ đôi khi làm cho người dân dễ bộc bạch hơn, dễ tâm sự hơn và vì vậy, kết quả công việc đôi khi cao hơn.
       Phụ nữ vốn đầy sự kiên trì và nhẫn nại, một trong những đòi hỏi cần thiết đối với nghề, bởi công tác tuyên giáo nhìn ở góc độ nào đó gắn với giáo dục, thuyết phục, vận động. Theo kinh nghiệm ở một số địa phương, khi giải quyết các điểm nóng, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, sự kiên trì, nhẫn nại chính là chìa khoá của sự thành công.
        Cán bộ các cấp Hội phụ nữ Sơn La xác định làm công tác tuyên giáo của Hội sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng có được niềm vui từ việc trang bị kiến thức cho chị em trong xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao vai trò vị trí phụ nữ ở gia đình và xã hội, góp phần đưa công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Sơn La ngày càng phát triển. Muốn làm người cán bộ Hội tốt phải không ngừng học hỏi trang bị kiến thức cho bản thân, học ở trường lớp sách vở ở các lớp tập huấn và học ở chính những hội viên trong cuộc sống vô cùng sinh động và đa dạng của chị em.
        Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Sơn La luôn chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho chị em phụ nữ. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhân dân, cung cấp kiến thức và hiểu biết cho phụ nữ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, hình thành và củng cố niềm tin, giáo dục phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng hành động cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Công tác tuyên truyền cũng đã góp phần khẳng định vai trò và sự đóng góp của phụ nữ các dân tộc Sơn La nói riêng, phụ nữ cả nước nói chúng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cũng giúp cho việc thông tin hai chiều giữa Hội cấp trên và cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần định hướng và điều chỉnh dư luận xã hội. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban Tuyên giáo - Chính sách, Luật pháp, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được 07 cuộc truyền thông về công tác phòng chống ma túy, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em cho 1.260 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các ban chuyên môn của Hội LHPN tỉnh, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được nhiều cuộc tuyên truyền, vận động với các lĩnh vực khác nhau cho đối tượng là hội viên, phụ nữ, trẻ em tại các địa phương trong tỉnh.
       Để công tác tuyên truyền của Hội các cấp có sự định hướng và thống nhất về nội dung, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo: kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tuyên truyền, đề cương tuyên truyền, tài liệu sinh hoạt hội viên... Đặc biệt, năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã đưa vào hoạt động Trang Thông tin điện tử của Hội nhằm cung cấp các thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của Hội, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, các Ban chuyên môn của Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành Hội, đơn vị trực thuộc; thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quảng bá hình ảnh của tỉnh, của Hội; kết quả hoạt động của các cấp Hội; giới thiệu các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; diễn đàn trao đổi, phản ánh ý kiến của cán bộ, hội viên, phụ nữ.
       Xuất phát từ những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế công tác tuyên truyền, các cấp Hội phụ nữ Sơn La xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể:
       Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và những chính sách pháp luật liên quan tới phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới.
       Thứ hai, tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị và tinh thần đấu tranh chống mọi âm mưu thù địch trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, chống mọi quan điểm sai trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
       Thứ ba, Hội cũng xác định cần phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tập trung tuyên truyền về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ; về các phong trào thi đua nhất là tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về các gương điển hình, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tiếp tục gắn công tác tuyên truyền với các hoạt động chăm lo đời sống phụ nữ. Hướng đến đối tượng có tính đặc thù, dễ bị tổn thương và ít được tiếp cận thông tin, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng biên giới. Gắn phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tiếp tục chỉ đạo Hội các cấp vận động, hướng dẫn, tổ chức và duy trì cho hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện các hoạt động “làm theo” thông qua hình thức tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm điện, nước, tiết kiệm lương thực, thực phẩm, tiết kiệm theo tổ, nhóm...
       Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, thời cơ và thách thức đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn, nhiều hơn của ngành tuyên giáo. Việc thực hiện phương châm “đi trước, đi cùng” phong trào quần chúng tuy có khác trước, nhưng bản chất của phương châm ấy là không thay đổi. Chỉ có “đi trước, đi cùng”, cán bộ tuyên giáo mới “thấu cảm được ý nghĩ và mong ước của nhân dân” và chỉ có như vậy, công tác tuyên giáo mới đạt mục tiêu “được người, được việc, được tổ chức”, xứng đáng là điểm tựa về mặt tinh thần của xã hội và niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân.
        Đặc biệt, là cán bộ Hội làm công tác tuyên giáo luôn cần cố gắng tìm tòi, học hỏi trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng về công tác Hội, về các lĩnh vực trong đời sống, xã hội, nắm vững các kiến thức chuyên ngành, nhiều lĩnh vực về gia đình, cuộc sống, về y tế, giáo dục, pháp luật... như dân số - sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán người, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình... biến những kiến thức đã học với những thực tế chắt lọc trong cuộc sống để đưa vào những buổi tuyên truyền, trao đổi chia sẻ với chị em phụ nữ, phấn đấu trở thành tuyên truyền viên, báo cáo viên của tỉnh, của Hội; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, để thật sự là lực lượng tiên phong truyền lửa, truyền niềm tin và lý tưởng cách mạng cho nhân dân, cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh./.

Hồng Nhung


Gửi ý kiến về bài viết cho chúng tôi
Tin liên quan